Tâm thần phân liệt được đặc trưng bởi loạn thần (mất liên hệ với thực tại), ảo giác (các tri giác sai), hoang tưởng (các niềm tin sai lạc), tư duy và ngôn ngữ thiếu tổ chức, cảm xúc thờ ơ vô cảm (giới hạn cảm xúc), suy giảm nhận thức (suy giảm trong khả năng lập luận và giải quyết vấn đề ) rối loạn chức năng nghề nghiệp và xã hội. Nguyên nhân không rõ, nhưng bằng chứng về cấu phần di truyền là mạnh. Các triệu chứng thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn sớm của tuổi trưởng thành. Một hoặc nhiều giai đoạn triệu chứng phải kéo dài ≥ 6 tháng khi chẩn đoán được thành lập. Điều trị bao gồm điều trị bằng thuốc, trị liệu tâm lý và phục hồi chức năng.
Loạn thần đề cập đến các triệu chứng như hoang tưởng, ảo giác, tư duy và ngôn ngữ thiếu tổ chức, hành vi vận động kỳ dị và không thích hợp (bao gồm căng trương lực) cho thấy sự mất liên hệ với thực tại.
Trên toàn thế giới, tỷ lệ hiện mắc của tâm thần phân liệt là khoảng 1%. Tỷ lệ này có thể khác nhau giữa nam và nữ và tương đối hằng định trong các nền văn hoá khác nhau. Tỷ lệ này cao hơn ở những người thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp ở khu vực thành thị, có lẽ vì những ảnh hưởng gây mất hoạt năng của rối loạn này dẫn đến thất nghiệp và nghèo đói. Tương tự, tỷ lệ hiện mắc cao hơn ở những người độc thân có thể phản ánh ảnh hưởng của bệnh tật hoặc yếu tố tiền bệnh đối với chức năng xã hội.
Tuổi khởi phát trung bình là từ những năm đầu đến giữa tuổi 20 ở nữ giới và sớm hơn một chút ở nam giới; khoảng 40% nam giới khởi phát giai đoạn đầu tiên trước 20 tuổi. Khởi phát hiếm khi xuất hiện ở thời thơ ấu, nhưng khởi phát ở tuổi vị thành niên sớm hoặc khởi phát muộn (khi đó đôi khi được gọi là hoang tưởng kỳ quái) có thể xảy ra.
Nguyên nhân của Tâm thần phân liệt
Mặc dù nguyên nhân cụ thể không được biết rõ, tâm thần phân liệt có một cơ sở sinh học, được minh chứng bằng:
- Sự thay đổi cấu trúc não (ví dụ, dãn rộng não thất, lớp vỏ não mỏng, giảm kích thước của hồi hải mã phía trước và các vùng não khác)
- Sự thay đổi các chất dẫn truyền thần kinh, đặc biệt là sự thay đổi hoạt tính của dopamin và glutamat
Một số chuyên gia cho rằng tâm thần phân liệt xuất hiện ở những người có đặc tính dễ bị tổn thương về phát triển thần kinh và sự khởi phát, thuyên giảm và tái phát các triệu chứng là kết quả của những tương tác giữa những đặc tính dễ tổn thương và những yếu tố căng thẳng của môi trường.
Các triệu chứng và Dấu hiệu
Tâm thần phân liệt là bệnh mãn tính có thể tiến triển qua nhiều giai đoạn, mặc dù thời gian và các mô hình của các giai đoạn có thể khác nhau. Bệnh nhân tâm thần phân liệt có xu hướng phát triển các triệu chứng loạn thần trung bình từ 12 đến 24 tháng trước khi nhận được chăm sóc y tế.
Các triệu chứng của tâm thần phân liệt thường làm suy giảm chức năng và thường gây trở ngại đến công việc, các mối quan hệ xã hội và khả năng tự chăm sóc bản thân. Thất nghiệp, cách ly, các mối quan hệ xấu đi, và chất lượng cuộc sống bị suy giảm là những hậu quả thường thấy.
Các giai đoạn của tâm thần phân liệt
Trong giai đoạn tiềm phát, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc có thể bị suy giảm về năng lực xã hội, rối loạn nhận thức nhẹ hoặc sự méo mó về tri giác, giảm khả năng trải nghiệm niềm vui (vô cảm) và các thiếu sót về ứng phó nói chung khác. Những đặc điểm này có thể nhẹ và chỉ được nhận ra thông qua hồi cứu hoặc có thể dễ nhận thấy hơn, với sự suy giảm về chức năng xã hội, học vấn và nghề nghiệp.
Trong giai đoạn tiền triệu, các triệu chứng dưới lâm sàng có thể xuất hiện; chúng bao gồm sự rút lui hoặc cô lập, dễ cáu kỉnh, đa nghi, những tư duy bất thường, những sự méo mó về tri giác và thiếu tổ chức Sự khởi phát tâm thần phân liệt (hoang tưởng và ảo giác) có thể đột ngột (qua vài ngày hoặc vài tuần) hoặc chậm và âm ỉ (qua nhiều năm).
Trong giai đoạn trung gian, các giai đoạn có triệu chứng có thể xảy ra theo từng thời kì (với sự gia tăng có thể nhận ra được và thuyên giảm) hoặc liên tục; thiếu hụt về chức năng có xu hướng xấu đi.
Trong giai đoạn muộn của bệnh, mô hình bệnh tật có thể được thiết lập, và sự giảm hoạt năng có thể ổn định hoặc thậm chí xấu đi.